AcDieu225
Co Vang amazon Tammy

Free Hit Counters
Web Site Hit Counters

Ac Dieu

ImageProxy.gif

AN GIANG ‘MÙA NƯỚC NỔI’

 

Vũ Huy Thục

 

 AnGiang_ChuaTayAn.jpg

Hình (Mạnh Thường): Chùa Tây An, An Giang.

 

 

Cho tới nay, tôi vẫn không thể quên được món lẩu bằng mắm “pro-hoc” (nhiều người vẫn quen gọi là mắm bò hóc) mà một người bạn thân và đồng thời cũng là đồng nghiệp với tôi mời thưởng thức tại chính quê hương của anh tại quận Châu Thành, thành phố Long Xuyên, năm 1965. Pro-hoc là phiên âm theo tiếng của người Căm Bốt, một loại mắm làm bằng cá trèn của vùng Hậu Giang. Mắm của người Căm Bốt làm nặng mùi hơn có lẽ vì cho ít thính. Nhưng gia đình bạn tôi đã chế biến thứ “mắm bò hóc” thành một loại lẩu mắm tuyệt vời. Lẩu có thể dùng với bún và dĩ nhiên phải có rau, một loại rau thập cẩm gồm cọng bông súng, bắp chuối, giá sống, rau đắng và một vài loại rau thơm. Căn nhà của ba má người bạn tôi nằm trên một con rạch đầy cá bống trắng, loại cá bống kho tiêu ăn với cháo trắng cũng là một món ăn độc đáo của người vùng này. Gia đình người miền Nam này thật thà, chất hào phóng. Chính họ đã là những người bỏ nhiều công để giúp tôi tìm hiểu một vài nét văn hóa đặc thù ở đây.

 

 

Tôi nhắc lại kỷ niệm này cũng chỉ là cái cớ để nói về An Giang mà tỉnh lỵ là thành phố Long Xuyên. Thực ra, khi đến vùng đồng bằng sông Cửu Long mà không ghé thăm An Giang thì quả là một điều thiếu sót, bởi vì vùng này là một vựa lúa của miền Nam Việt Nam và cũng là vùng có nhiều điều cần được khám phá và học hỏi. Sản lượng lúa hàng năm chỉ riêng cho An Giang không thôi đã là 2.5 triệu tấn. An Giang bắt đầu từ chỗ sông Cửu Long chảy vào Việt Nam được chia làm đôi, đất ruộng phù sa màu mỡ. Theo địa dư chí hiện tại, phía Ðông và Ðông Bắc, An Giang giáp Ðồng Tháp, phía Ðông Nam giáp Cần Thơ, phía Nam và Tây Nam Kiên Giang, phía Tây giáp Căm Bốt. Ðây là sự phân chia thời bây giờ, An Giang gồm cả Châu Ðốc. Trước ngày 30 Tháng Tư năm 1975, Châu Ðốc là một tỉnh riêng. Do sự sát nhập này mà ngày nay, An Giang khác với các tỉnh khác: ở đồng bằng mà có miền núi dài tới 30 cây số và rộng 10 cây số, đó là Thất Sơn ở Tịnh Biên và Tri Tôn.

 

Khí hậu của An Giang cũng khác với các vùng khác: nhiệt đới nhưng có gió mùa cho nên tương đối ôn hòa, nhiệt độ trung bình là 27 độ C, cao nhất là 34 độ C vào Tháng Tư và Tháng Năm, từ cuối năm này qua đầu năm kia nhiệt độ trung bình là 21 độ C. An Giang là tỉnh có mưa nắng hai mùa rõ rật nhất: mùa mưa từ Tháng Năm đến Tháng Mười Một và mùa khô từ Tháng Mười Hai đến Tháng Tư năm sau. Tại sao An Giang lại có mùa nước nổi? Lý do được các chuyên gia thủy văn giải thích chính là vì do mưa và lượng nước sông Cửu Long dâng cao nên hàng năm An Giang vẫn phải đón nhận con nước lũ trong khoảng từ 2 tháng rưỡi cho đến 5 tháng nên hình thành “mùa nước nổi” là như vậy.

 

Với địa hình như trên, ngoài lúa, An Giang cũng là tỉnh đứng đầu về sản xuất cá tôm nước ngọt. Về các ngành sản xuất khác, ai cũng biết An Giang là một trong rất tít thành phố trong vùng đồng bằng Sông Cửu Long nổi tiếng với các nghề thủ công truyền thống, chẳng hạn như lụa Tân Châu, mắm Châu Ðốc, mộc Chợ Thủ, bánh phồng Phú Tân, khô bò và những mặt hàng tiêu dùng thông dụng khác. Thị xã Long Xuyên cũng là thành phố khá cổ, được thành lập đầu thế kỷ thứ 19 với một nền văn hóa rất đặc trưng của vùng khẩn hoang nhiều thế kỷ trước.

 

Lễ Hội Bà Chúa Xứ

 

Là một tỉnh phản ảnh dân số nhập cư rõ rệt nhất với 17 sắc dân sinh sống, đông nhất là ngươi Việt Nam với 94% (con số của năm 2000), người Chăm Châu Ðốc khoảng gần 1%, người Hoa khoảng 2%, còn lại khoảng 3% phân phối cho nhiều sắc dân khác. Tuy nhiên, mỗi sắc vẫn giữ bản sắc riêng cho mình qua các phong tục, tập quán và những lễ hội văn hóa riêng. Người Chăm phần đông sống ở hai huyện Tân Châu và Phú Tân. Họ theo Hồi Giáo cho nên có tháng Ramadan, có lễ hội Hadji. Người Căm Bốt sống tập trung ở hai huyện sát biên giới như Tịnh Biên và Tri Tôn, thường tổ chức các lễ hội vui chơi sau các mùa vụ: đua bò, tổ chức Tết Chol Chnam Thmay, lễ Dolta, lễ cúng Trăng và nhất là hội đua Ghe Ngo.

 

Riêng đối với người Việt Nam thì Lễ Hội Bà Chúa Xứ là lễ hội dân gian lớn nhất vùng đồng bằng sông Cửu Long chứ không phải chỉ đối với An Giang. Lễ hội được tổ chức hàng năm từ đêm 23 đến 27 Tháng Tư Âm Lịch. Năm nào thịnh, khách hành hương có thể đông đến nửa triệu người từ khắp nơi kéo về, đi dọc theo tỉnh lộ số 10 từ Long Xuyên lên Châu Ðốc, rồi đi thêm 7 cây số là tới núi Sam. Thường khách hành hương đi lai rai từng nhóm trước đó và chờ đến đêm 23 là cùng nhau đổ dồn về núi Sam để chứng kiến lễ tắm Bà Chúa Xứ. Tượng bà được đưa xuống tắm bằng nước mưa pha với nước hoa. Phong tục này tồn tại hàng trăm năm trước và duy trì cho tới ngày nay. Ði lễ hội Bà Chúa Xứ hàng năm còn là để du lịch lang thang trên các con đường từ Long Xuyên đến Núi Sam, thăm viếng các di tích cổ khác và thưởng thức các món ăn địa phương dọc đường đi. Mục đích cuối cùng đi hành hương dự Lễ Hội Bà Chúa Xứ là cầu tài cầu lộc, hoặc đến miếu Bà để vay tiền tượng trưng về làm vốn kinh doanh.

 

Miếu Bà Chúa Xứ ở núi Sam thuộc ấp Vĩnh Tế 1, thị xã Châu Ðốc, được thiết lập vào đầu thế kỷ 19. Có hai truyền thuyết về lịch sử của miếu Bà. Truyền thuyết thứ nhất là miếu Bà là do dân xây dựng để cúng vái vì tin vào sự linh thiêng của Bà Chúa Xứ. Truyền thuyết thứ hai là do ông Thoại Ngọc Hầu đứng ra thiết lập do lời trăn trối của vợ ông là bà Châu Thị Tế.

Lúc đầu miếu thờ này chỉ được cất bằng tre lá. Năm 1962, miếu được lợp ngói. Ðến năm 1972, ngôi miếu được xây lại trừ tấm vách đá sau lưng dài 10 thước là bệ miếu cũ. Năm 1976, công trình tái xây dựng Miếu Bà Chúa Xứ mời hoàn tất.

 

Theo các tài liệu kiến trúc, miếu Bà Chúa Xứ kiên trúc theo kiểu chữ “Quốc”, có 4 mái hình vuông, nóc lợp bằng ngói ống màu xanh. Nhà để tượng cũng 4 mái hình vuông. Trong miếu thờ tượng Bà Chúa tạc bằng đá xanh và có giá trị nghệ thuật cao. Tượng được tác vào thế kỷ thứ sáu theo mô-típ tượng nữ thần Vitnu thường thấy xuất hiện ở các quốc gia như Lào, Căm Bốt và Ấn Ðộ.

 

Lễ Hội Chol Chnam Thmay May và Dolta

 

Ðây là lễ hội mừng Năm Mới, một lễ tết lớn nhất của người Khmer trong vùng đồng bằng phía Nam Việt Nam. Lễ hội tương đương với Tết Nguyên Ðán của người Việt Nam, nhưng thường diễn ra vào các ngày 12, 13, 14, 15 Tháng Tư Âm Lịch tại chùa và sau đó tại nhà. Lễ hội tập trung vào ý nghĩa “tống cựu nghinh tân, mong người coi sóc mới mang đến nhiều may mắn cho gia đình mình”. Khởi đầu cho lễ hội “Chol Chnam Thmay” là lễ tiễn đưa Theveda (Thần Coi Sóc) cũ và đón Theveda mới về. Sau đó đến chùa cầu phúc, chúc tết các sư sãi, dâng hoa quả thực phẩm. Buổi chiều họ trở về nhà để đón khách khứa đến nhà chúc Tết. Buổi tối thường diễn ra sinh hoạt đốt pháp thăng thiên. Sáng ngày hôm sau dân chúng bắt đầu khai diễn các lễ hội như đua Ghe Ngo, đánh quay lửa, thả diều, trai gái tập trung múa Roam Vông và hát Dù Kê.

 

Thế còn Lễ Dolta? Nếu cần so sánh, có thể nói Dolta tương đương với Tết Thanh Minh của người Việt và người Hoa, diễn ra trong khoảng từ 1 đến 15 Tháng Mười Âm Lịch. Người Khmer sinh sống ở đồng bằng Nam Bộ cũng theo đủ nghi thức dành cho lễ hội này, nghĩa là trong những ngày lễ, dân chúng mang bánh tét, hoa quả, cơm canh đến lễ chùa. Từ chùa về, thế nào người Khmer tại Tri Tôn, Tịnh Biên, Vĩnh Bình, Sóc Trăng cũng tổ chức ăn uống linh đình tại nhà.

 

Lễ hội Hadji của người Chăm Châu Ðốc

 

Lễ hội Hadji hay còn gọi là Roya Hadji là lễ của cộng đồng người Chăm theo Hồi Giáo ở các tỉnh An Giang, Tây Ninh, Ðồng Nai. Lễ hội diễn ra từ ngày 7 đến ngày 10 Tháng Mười Hai theo lịch Hồi Giáo. Riêng ở An Giang, Hadji hàng nằm được tổ chức tại tại thánh đường lớn ở Châu Giang, thuộc xã Phú Hiệp, huyện Phú Tân. Vào ngày lễ, toàn thể tín đồ đều phải lắng nghe ông Khojip nói lại sự tích ngày Thánh Ibrahim. Buổi tối trong ba ngày lễ, dân chúng thường tổ chức thi đọc kinh Coran, và chấm giải nhất cho ai đọc hay và đọc thông suốt.

 

Sau phần nghi thức tại thánh đường Hồi Giáo, người Chăm tham dự các cuộc vui chơi, chúc mừng và cầu nguyện điều lành cho nhau.

 

Lễ hội đua bò

 

Dường như lễ hội này chỉ diễn ra ở hai huyện Tịnh Biên và Tri Tôn, vì nơi đây người dân nuôi rất nhiều bò để làm sức kéo. Sân đua bò thường là một khu đất rộng khoảng 60 thước và dài chừng 170 thước được bao quanh bởi bờ đất cao, đồng thời là nơi dành cho khán giả, ngồi hay đứng. Phía dưới là đường đua dài 90 thước, rộng khoảng 4 thước và hai đầu là đích và xuất phát.

 

Theo tài liệu dẫn giải, vào ngày hội, từng đôi bò được được ách vào một chiếc bừa đặc biệt, gọng bừa là bàn đạp gồm một tấm gỗ trong 30cm và khoảng 90cm, bên dưới là răng bừa. Mỗi đôi bò được điều khiển bởi 2 nài, chính và phụ. Nài chính điều khiển đứng trên bàn đạp, cầm cương và gậy thúc cho bò chạy nhanh.

 

Dĩ nhiên, trong lễ hội, chuyện đánh cá trong các cuộc đua bò truyền thống của dân tộc Khmer là điều khó tránh khỏi. Tuy nhiên, vì là lễ hội truyền thống nên cũng không chính quyền địa phương nào coi đây là điều cần phải chặn đứng.

 

AcDieu

Tin vui

Tin Buồn

Bài Củ

06-2014

05-2014

04-2014

03-2014

02-2014

01-2014

RFI
Nguoi_Viet
RFA
Quan_Su_VNCH
Quân Sử VNCH
Voa_tieng_Viet
BBc_Tieng_Viet

TIME